default_banner

Agrin

quay lại

Giải rượu ngày tết

Rượu bia gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe tuy nhiên trong những cuộc vui, liên hoan, ngày Tết… việc phải “cụm ly” vài ba chén là điều khó tránh khỏi. Để giải rượu và giảm tác hại đối với cơ thể, bạn cần “nằm lòng” những bí quyết dưới đây.

Tác hại của rượu, bia

Theo các bác sỹ Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhân dân 115, uống rượu bia nhiều gây ra những tác hại khôn lường cho sức khỏe: nhẹ thì ảnh hưởng lên não với biểu hiện “say rượu”, nặng hơn gây ra rối loạn tâm thần, hành vi; nhiễm độc các cơ quan, đặc biệt từ từ làm tổn thương gan dẫn đến gan nhiễm mỡ, xơ gan, thậm chí ung thư gan.

Tác hại của rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống, mà phụ thuộc vào lượng cồn uống vào và tốc độ uống.

Các cách giải rượu

Để giảm tác hại của rượu, tốt nhất bạn nên hạn chế uống. Nếu không may bị say rượu thì cần thực hiện ngay các cách dưới đây để “giải rượu” và giảm thiểu tác hại của rượu, bia đối với cơ thể.

Chanh tươi

Theo các bác sỹ khoa Y học Cổ truyền (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108) khi có người say rượu, hãy cho người say uống một lượng nước vừa đủ (ít nhất cũng bằng lượng rượu uống vào) để pha loãng nồng độ rượu trong cơ thể và giúp đào thải rượu nhanh.

Cách tốt nhất là dùng chanh tươi, vắt lấy nước cho uống hoặc thái mỏng cho ăn luôn cả quả càng tốt.

Chanh giúp người say nhanh chóng thải độc, lấy lại trạng thái cân bằng. Ảnh: villagecandle

Nước cốt chanh giúp được người say thoát khỏi cảm giác nôn nao, khó chịu do bia rượu gây nên. Nước chanh giàu vitamin C, chứa các thành phần axit hữu cơ sẽ kết hợp với ethanol trong rượu để tạo ra este, giúp giải rượu hiệu quả, còn cung cấp năng lượng, tăng cường hệ miễn dịch, giảm mất nước do chất cồn gây ra.

Cà chua

Trong cà chua có chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe con người cũng như cung cấp chất xơ cho quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi. Trong cà chua còn có các vitamin cần thiết có lợi cho quá trình trao đổi chất của cơ thế, các khoáng chất rất cần thiết cho tim mạch. Đặc biệt, đối với người say rượu, nước ép cà chua có tác dụng giải rượu rất nhanh và hiệu quả. Nước ép cà chua giúp người say tỉnh táo, giải cơn say nhanh chóng.

Nước ép cà chua có tác dụng giải rượu rất nhanh và hiệu quả. Ảnh: The Splendid Table

Ngoài ra, theo các bác sỹ, nước ép cà chua có thể giảm nồng độ cồn trong cơ thể, kích hoạt các emzim chuyển hóa rượu,hạn chế say và tỉnh rượu nhanh hơn.

Sắn dây

Sắn dây có rất nhiều tác dụng như: cải thiện lưu lượng tuần hoàn não và động mạch vành tim, hạ nhiệt, điều hòa rối loạn lipid máu, chống loạn nhịp tim… Với người say rượu, một cốc bột sắn dây không chỉ giúp nhanh chóng bù các chất điện giải, đường và các loại vitamin trong cơ thể, mà còn làm giảm các triệu chứng chóng mặt, mệt mỏi do uống quá nhiều rượu.

Cách đơn giản nhất là bạn hòa tan bột sắn dây cùng với một cốc nước sau đó cho đường và cuối cùng vắt lấy 1 thìa nước cốt chanh. Trường hợp không muốn uống đường, có thể thay thế bằng một chút muối, cách này sẽ khó sử dụng hơn nhưng tác dụng mà nó mang lại sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Nước gạo rang

Nước gạo rang muối vừa có tác dụng chống mất nước lại giúp bù các chất điện giải hiệu quả. Đối với người say rượu, một cốc nước cốc nước gạo rang rất hiệu quả, nhanh chóng giúp cơ thể hồi phục, thải độc nhanh và trở về trạng thái cân bằng.

Nước gạo rang rất tốt cho người say rượu. Ảnh: buhlergroup

Thực hiện: rang 100g gạo tẻ (hoặc gạo lứt) với một dúm muối nhỏ. Sau đó cho gạo rang vào một chiếc nồi nhỏ, đổ thêm khoảng 300ml đun sôi khoảng 5 phút rồi chắt ra để nguội và uống.

Lưu ý

Với những trường hợp say rượu nghiêm trọng, nằm ngủ li bì, thậm chí hôn mê, có biểu hiện ảnh hưởng tới hô hấp, tuần hoàn thì không mẹo giải rượu nào được khuyến khích, bao gồm cả các loại nước uống trên.

Việc cần làm là gọi ngay nhân viên và đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí đúng cách.

Để giảm tác hại của rượu trước khi uống cần lưu ý:

  • Không uống rượu trong lúc bụng đói: Rượu được hấp thu chủ yếu ở ruột non. Khi dạ dày trống, rượu đi thẳng xuống ruột non dễ gây say. Ngoài ra, còn có thể khiến bạn tăng nguy cơ ngộ độc rượu và bệnh viêm loét dạ dày.
  • Uống 1 ly sữa: Sữa chứa nhiều kali và thành phần chủ yếu là nước nên sẽ bù được lượng nước mất đi trong cơ thể khi uống rượu.

Khi đang uống rượu:

  • Hãy uống thật chậm.
  • Uống nước thật nhiều.
  • Không nên uống các loại rượu pha với nước có gas như bia, champagne, rượu mạnh pha với soda hay các loại nước ngọt có gas khác. Điều này sẽ khiến bạn dễ bị say và ngộ độc rượu.
  • Không nên uống rượu chung với nước ngọt.

Rượu có rất nhiều tác hại đối với cơ thể con người nên các chuyên gia khuyến cáo bạn cần hạn chế uống tối đa. Để đảm bảo sức khỏe, hãy xây dựng một lối sống lành mạnh bằng việc tập thể dục, thể thao hàng ngày, thực hiện chế độ ăn uống khoa học, giàu dinh dưỡng, tư duy tích cực.