Ý Nghĩa Biểu Tượng Của Mỗi Màu Sắc
Trước giờ, chúng ta đều mặc định rằng trong lễ cưới, cô dâu sẽ mặc váy trắng, hay biển báo màu đỏ là cảnh báo nguy hiểm, hay màu xanh lá tượng trưng cho thiên nhiên.Tất cả những điều tất yếu đó đều được hình thành từ truyền thống và quá khứ. Vậy bạn đã biết chút gì về câu chuyện đằng sau chúng chưa nào? Cùng tìm hiểu nhé.
Màu đỏ
Có thể nhận định rằng đây là màu sắc hàm chứa nhiều ý nghĩa nhất. Tốt có, xấu có. Chúng liên quan đến sức khỏe (màu của máu), tình yêu (màu lãng mạn), sự giận dữ (giận đỏ mặt). Điểm chung của hầu hết những tính chất đó chính là: sự nhiệt huyết.
Khi chúng ta giận, mặt trở nên đỏ gay. Khi chúng ta ngượng, mặt cũng ửng hồng. Điều đó được giải thích do mạch máu trên mặt giãn nở khiến máu lưu thông đến nhiều. Da thiếu màu đỏ hồng, hay xanh xao thì bị xem là thiếu sinh lực. Máu đỏ chính là nguồn cung cấp năng lượng cũng như thay ta thể hiện cảm xúc. Hoa hồng đỏ tượng trưng cho tình yêu, bởi vì màu đỏ là màu của trái tim!!! Hơn nữa sự cuồng nhiệt trong tình yêu cũng mạnh mẽ như màu đỏ phản ánh.
Trong các cung điện hay hầu hết đồ dùng của người phương Đông đều có sự hiện diện của màu đỏ. Thậm chí trong tín ngưỡng dân gian, các loại đá quý màu đỏ như hồng ngọc, hồng lựu ngọc cũng được tin rằng có khả năng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật. Ví dụ như ở Rome, trẻ em đeo san hô đỏ như bùa hộ mệnh.
Màu trắng
Trong hầu hết các nền văn hóa, màu trắng là biểu tượng cho sự giản dị và tinh khiết tuyệt đối. Điều này rất đơn giản để giải thích, bởi chỉ một vết bẩn nhỏ, thậm chí một giọt nước không màu rơi vào nền trắng, cũng dễ dàng bị nhận ra.
Cũng dễ hiểu khi những cô dâu phương Tây luôn chọn váy trắng cho ngày trọng đại của mình: để chứng minh sự trong trắng của bản thân. Nhưng đối với người phương Đông, màu trắng (mà chính xác là trắng ngà, hơi ngả vàng) lại tượng trưng cho sự tang tóc. Vì vậy, có sự mâu thuẫn nhất định trong văn hóa mà hiện nay vẫn còn bị ảnh hưởng ở một số gia đình truyền thống, đặc biệt trong việc cưới xin.
Ngoài ra, màu trắng còn mang ý nghĩa hòa giải, hòa bình, trung lập. Đôi khi, màu trắng vì quá đơn giản nên thường tạo cảm giác lạnh lẽo, đơn độc và thất bại. Có thể đó là lý do những lá cờ đầu hàng có màu trắng.
Màu đen
Màu đen được chọn là tượng trưng cho sự bí ẩn và phản diện. Khi màn đêm bao phủ thì con người không thể biết điều gì đang diễn ra xung quanh mình. Và trong số đó, bí ẩn lớn nhất của loài người không gì khác ngoài cái chết. Người xưa, thậm chí người nay, hoàn toàn “mù tịt” về những gì thực sự diễn ra sau khi con người ta qua đời. Giải thích cho việc chọn màu đen ám chỉ cái chết, một số ý kiến cho rằng cái chết có điểm tương đồng trùng hợp với giấc ngủ (phải chăng vì vậy mới có cụm từ “giấc ngủ nghìn thu”?!). Con người chỉ hay ngủ vào ban đêm, khi màn đen buông xuống. Khi mắt nhắm lại, toàn bộ ánh sáng biến mất, chỉ còn lại màu đen.
Ngoài ra, màu đen còn đại diện cho cái ác. Các nhân vật phản diện hầu hết đều sử dụng màu đen để “minh họa” cho tội ác của mình, đặc biệt là trên phim ảnh!
Rất hiếm người thật sự thích màu đen, nhưng số người sử dụng màu đen cho mục đích công việc của mình thì nhiều kinh ngạc. Bởi màu đen vừa gợi sự giàu sang, quyền lực, lại dễ dàng lôi cuốn trí tò mò của mọi người.
Màu tím
Màu tím xưa nay đều tượng trưng cho hoàng gia và quý tộc. Trong xã hội Tây phương, điều này được quy định bởi pháp luật, từ đến chế La Mã cổ đại cho đến thời kì nữ hoàng Elizabeth I của nước Anh: đạo luật cá nhân này cấm tất cả mọi người, nếu không có gốc gác hoàng tộc được phép mặc trang phục màu này.
“Đẳng cấp” của màu “tím Tyran” được hình thành bởi tính chất đẹp quý hiếm của nó. Đây là loại thuốc nhuộm màu tím thời xa xưa được xem là khó tìm nhất, chỉ có được khi nghiền mịn vỏ một loài nhuyễn thể đặc biệt duy nhất tìm thấy ở thành phố thương mại Tyre xứ Phoenecian, gần vùng biển Địa Trung Hải. Người xưa kể rằng phải cần 9.000 vỏ nhuyễn thể mới tạo ra được 1 gram bột màu này. Hiển nhiên chi có những người đứng đầu đất nước, thừa tiền dư của, mới có thể chi trả cho loạt bột nhuộm đắt tiền này.
Một lưu ý khác cho rằng màu tím cũng đại diện cho tín ngưỡng và sự thiêng liêng. Đơn giản bởi vì vua chúa thường được xem là đại diện của thánh thần, là hậu duệ của trời đất. Và những người ấy luôn xuất hiện trong trang phục màu tím!
Màu xanh dương
Hầu hết các tư liệu từ xưa đến nay đều đồng nhất màu xanh dương với ý nghĩa hòa bình và sự vững chắc, tin cậy. Một lý giải khá hợp lý cho điều này chính là bầu trời và đại dương. Màu xanh trong bao la của bầu trời cũng như sự tĩnh lặng khi nhìn từ xa của đại dương như những điều tồn tại bất biến, có thể khiến con người ta thư thái và phản ánh bản chất thật trong tâm hồn người. Không phải ngẫu nhiên mà trong các lá cờ của các tổ chức trên thế giới đều có màu xanh da trời. Đó là biểu tượng của hòa bình và tình hữu nghị.
Màu xanh dương cho ta cảm giác nhẹ nhàng và dễ chịu, nhưng cũng dễ tạo ra cảm giác nhàm chán. Cũng như cuộc sống nếu quá bình yên, ôn hòa cũng sẽ vô vị biết bao.
Màu xanh lá
Vì những lý do rất rõ ràng về cảm quan màu sắc, màu xanh lá là biểu tượng chắc chắn nhất của thiên nhiên và môi trường. Đây vốn là màu có quy mô lớn nhất trên thế giới, và cũng là màu mà mắt ta có thể dễ dàng nhận ra dưới nhiều cấp độ đậm nhạt nhất.
Một điều khá thú vị khác là nhiều nền văn hóa chọn màu xanh này làm đại diện cho trí tuệ. Người Ai Cập tin rằng thần thông thái Thoth dẫn dắt linh hồn đến sống ở một ngọn đồi xanh lá, nơi sự sống là vĩnh hằng và trí tuệ muôn đời. Người La Mã lại cho rằng màu xanh lá là màu của thần Mercury, vị thần sở hữu trí óc tinh khôn và nhanh nhẹn. Cũng vì vậy mà sao Thủy (Mercury) cũng được xem là hành tinh chủ trì cho trí óc và kiến thức.
Màu vàng
Không ngạc nhiên lắm nếu chúng ta biết rằng màu vàng đầy sức sống mang ý nghĩa lạc quan, vui tươi, ấm áp, giàu sang, sung túc, thịnh vượng. Đó là những tính chất thường thấy của mặt trời và kim loại vàng, và người xưa đã gán cho màu vàng ý nghĩa tương tự.
Nếu như mắt người nhìn có thể nhìn màu xanh lá dưới nhiều cấp độ khác nhau, thì mắt người lại chọn màu vàng là màu nổi bật dễ nhận ra nhất nếu nhìn giữa một biển màu. Mới đầu, khi nhìn màu vàng, ta cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu, nhưng sau đó nhanh chóng trở nên nhức mắt. Sự giàu sang cũng vậy, ban đầu khi đạt được ta dễ dàng cảm thấy hạnh phúc tột bậc, nhưng sau đó có thể nảy sinh nhiều vấn đề rắc rối.
Trong nền văn hóa Ai Cập và Trung Quốc, nơi thánh thần được đồng hóa với hình ảnh mặt trời, thì màu vàng cũng trở thành màu “cao giá” nhất, chỉ dành cho hoàng gia và tôn giáo.
Màu cam
Màu cam không được xem là màu chủ đạo trong các nền văn minh cổ xưa. Nó thường bị dung hòa với màu đỏ hoặc màu nâu. Nhưng ngày nay, do tính chất nổi bật của mình nên màu cam được sử dụng với mục đích báo hiệu, cảnh báo trong các thiết bị an toàn là chủ yếu. Màu cam hoàn toàn nổi bật trên nền trời màu xanh, hoặc màu đen. Vì vậy, những bộ áo công nhân có màu cam dạ quang, hộp đen của máy bay thật ra cũng có màu cam.